BÁO CÁO
Kết quả xây dựng làng nghề thôn Mỹ Tân
xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
-----
I - KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH
1. Về vị trí địa lý
Thôn Mỹ Tân là thôn nằm ở phía đông của xã Tân Quang, cách trụ sở xã 01 km; phía đông và phía nam giáp thôn Mục Lạn, phía tây giáp Sông Lô, phía bắc giáp thôn Tân Tiến, xã Tân Thành. Toàn thôn có tổng diện tích tự nhiên là 211 ha, trong đó: đất ở 3,6 ha; đất lúa 15 ha; đất vườn 220 ha; đất ao 1,1 ha; đất khác 4 ha.
Địa hình thôn chạy dọc theo bờ đông Sông Lô khoảng hơn 1km. Trước những năm 1963 nơi đây phần lớn là đồi bát úp, do nhu cầu san gạt mặt bằng để san cấp trồng cam, san ruộng trồng lúa nước, qua nhiều năm canh tác địa hình thôn dần dần bằng phẳng. Địa bàn thôn có 04 con suối nhỏ cắt ngang[1], là điều kiện thuận lợi để nhân dân khai thác, sử dụng nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Mặt bằng chung của thôn thấp hơn so với các thôn lân cận, thường xuyên bị tác động ngập lụt, tuy nhiên bên cạnh đó kéo theo lượng phù sa được bồi đắp hàng năm từ Sông Lô, đã tạo cho đất đai màu mỡ, thuận lợi để nhân dân canh tác.
2. Thời tiết, khí hậu
Xã Tân Quang nằm trong vùng nóng ẩm, mưa nhiều bởi tác động của dãy nũi Tây Côn Lĩnh, chính vì thế thôn Mỹ Tân cũng được coi là “rốn mưa” của Miền bắc. Tổng lượng mưa trung bình của xã Tân Quang 10 năm trở lại đây đạt ở mức 4.539,2 mm/năm (so với miền Bắc từ 1500 - 20000mm). Lượng mưa nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Ngày mưa nhiều nhất trong năm là ngày 16/9, với tổng lượng mưa lên đến 278,5 mm/ngày. Mùa mưa thường có giông bão, gió lốc kèm theo sấm sét; mùa đông thì nhiệt độ khá thấp, có lúc rét đậm, rét hại. Nhiệt độ trung bình của năm dao động ở mức 22 - 230C.
3. Đặc điểm tình hình về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh của thôn
3.1. Sự hình thành và phát triển thôn
Từ đầu năm 1963, theo chủ trương của Đảng về việc đưa đồng bào miền xuôi lên Hà Giang để khai hoang vùng kinh tế mới. Bà con nhân dân các xã Nam Mỹ, Nam Nghĩa - huyện Nam Trực - Tỉnh Nam Định đã thành lập đoàn lên định cư tại xã Tân Quang. Ban đầu khi đặt chân lên đất Bắc Quang, Hà Giang một phần bà con xã Nam Nghĩa định cư ở trục đường quốc lộ 2, đặt tên thôn là Nghĩa Tân (Nghĩa tức “Nam Nghĩa”, Tân nghĩa là “mới thành lập”). Riêng 17 hộ dân xã Nam Mỹ thì chuyển sang định cư ở bờ đông Sông Lô của xã, đồng thời đặt tên thôn là Mỹ Tân (Mỹ tức Nam Mỹ, Tân tức mới thành lập). Tuy ban đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng bà con thôn Mỹ Tân đã đoàn kết một lòng, cần cù, chịu thương chịu khó để vượt qua mọi khó khăn, xây dựng vùng kinh tế mới. Khi mới lên định cư, toàn thôn chỉ có 17 hộ nay đã phát triển lên 70 hộ gia đình với 290 khẩu, gồm 5 dân tộc đoàn kết sinh sống trong cộng đồng dân cư (dân tộc kinh chiếm 95%, còn lại là dân tộc Hoa, Dao, Hmong, La chí chiếm 5%).
3.2. Về chính trị
Tháng 12/1963, Chi bộ xã Tân Quang tổ chức Đại hội lần thứ IV; thôn Mỹ Tân lúc đó chỉ có 03 đảng viên được tham dự Đại hội (gồm cố đảng viên Nguyễn Mạnh Long, Nguyễn Mạnh Lân, Lê Bá Tê). Đến năm 1966, đồng chí Nguyễn Mạnh Long được nhân dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm HTX Mỹ Tân; đồng chí Nguyễn Mạnh Lân chuyển sang làm Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Tân Quang và đến năm 1973 được bầu làm Bí thư chi bộ xã Tân Quang. Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo các cố đảng viên, thôn Mỹ Tân đã thành lập và vận hành hiệu quả hoạt động của HTX, chỉ đạo nhân dân thực hiện các phong trào “3 sẵn sàng”, “3 đảm đang”, “3 tích cực” để xây dựng quê hương mới, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Sau nhiều thập kỷ phấn đấu xây dựng, trưởng thành và phát triển hiện nay thôn Mỹ Tân có Chi bộ đảng gồm 13 đảng viên, có Ban quản lý thôn, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể quần chúng hoạt động hiệu quả[2]. Sự đoàn kết, thống nhất nội bộ cùng với sự tiên phong, gương mẫu, ham học hỏi của cán bộ, đảng viên đã vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, huy động mọi tiềm năng, thế mạnh của “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để từng bước phát triển.
3.3. Về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội
Từ những năm 1963 đến năm 1990 nhân dân thôn Mỹ Tân chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp từ trồng cây cam sành, lúa, ngô và các loại rau mầu kết hợp chăn nuôi. Giai đoạn đầu thập kỷ 80 - 90, thôn Mỹ Tân nổi tiếng là nghề trồng rau, trồng hoa của một số hộ dân đến từ tỉnh Thái Bình. Sau nhiều năm canh tác, đất đai thoái hóa, cây cam nhiều sâu bệnh, đặc biệt là bệnh “gân xanh, lá vàng” do đó nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc canh tác cây lương thực, cây rau màu cũng chỉ mang lại cuộc sống đủ ăn, khó làm giàu từ đất nông nghiệp. Nhân dân trong thôn chủ yếu thu nhập từ cây chè, cây lương thực. Đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giai đoạn trước những năm 2010 chiếm từ 10 - 15%. Cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đường giao thông đi lại khó khăn nhân dân chủ yếu đi bằng thuyền, mảng qua sông; Hệ thống đường giao thông của thôn lầy lội về mùa mưa; tuyến đường cột điện thắp sáng chủ yếu là cây tre, nứa; nhà văn hóa thôn xuống cấp, các thiết bị phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng của thôn lúc đó rất nhiều thiếu thốn.
Xuất phát từ những khó khăn đó, Đảng ủy xã Tân Quang đã chỉ đạo đưa nhiều mô hình vào khảo nghiệm trồng Cà phê, Thuốc lá, Cao su, Tre măng Bát độ, Luồng Thanh hóa…v.v. nhưng hầu hết là không thành công.
II - SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
1. Yếu tố tự phát
Năm 2010, sau nhiều năm suy nghĩ, trăn trở, lãnh đạo thôn Mỹ Tân đã mạnh dạn về quê nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nhân dân miền xuôi, thí điểm mở rộng mô hình trồng hoa, rau, cây cảnh. Tiếp thu các kiến thức sản xuất mới, lãnh đạo thôn Mỹ Tân đã mang các loại giống cây trồng từ miền xuôi lên, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cam chết sang trồng hoa, cây cảnh; áp dụng tốt kiến thức KHKT vào quá trình sản xuất. Ban đầu chỉ có vài hộ là gia đình cán bộ, đảng viên tham gia chuyển đổi cây trồng, sau nhiều năm vận động, kết hợp chứng minh kết quả sản xuất và thu nhập, nhân dân đã thấy được hiệu quả kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh và trồng rau theo hướng “an toàn”. Từ đó mà mô hình nhen nhóm, hình thành và phát triển.
2. Yếu tố lãnh đạo, chỉ đạo
Cuối năm 2017, xã Tân Quang được tỉnh công nhận về đích Nông thôn mới, cơ sở hạ tầng của các thôn được xây dựng khá quy mô, đáp ứng nhu cầu để sản xuất và tiêu bao sản phẩm. Từ những thuận lợi này, lãnh đạo xã Tân Quang đã nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo huyện tập trung xây dựng một thôn làm điểm phát triển về mọi mặt, nâng các tiêu chí nông thôn mới lên một tầm cao mới. Xuất phát từ đề nghị của xã, ngày 30/12/2019 Ủy ban nhân dân huyện Bắc Quang đã ban hành Kế hoạch số 6207/KH-UBND, về việc xây dựng thôn Mỹ Tân trở thành thôn “Phát triển toàn diện”.
Căn cứ sự chỉ đạo của huyện ủy và UBND huyện, Đảng ủy xã cũng đã ban hành kế hoạch chuyên đề để triển khai thực hiện Bộ tiêu chí “Thôn phát triển toàn diện”; đồng thời chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc. Vận động nhân dân Thôn Mỹ Tân hiến đất mở rộng đường trục thôn từ 2,5m lên 8m trong đó 5m bê tông và 3m lề đường 2 bên, trục xóm; xây dựng các mô hình về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự[3]; đồng thời Đảng ủy đã chỉ đạo lồng ghép chương trình cải tạo vườn tạp, xóa nhà tạm vào triển khai tại thôn. Sau hai năm thực hiện kế hoạch xây dựng thôn Phát triển toàn diện, Chi bộ, Ban quản lý, các đoàn thể trong thôn đã vận động nhân dân từng bước thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, huy động sức người, sức của kết hợp tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước để đầu tư xây dựng CSHT. Hiện nay đường trục thôn đã bê tông hóa mặt đường rộng 5 mét, 100% các tuyến đường ngõ xóm đã đảm bảo bê tông hóa, không lầy lội về mùa mưa. Nhà văn hóa thôn, sân vui chơi thể thao, đường điện cao áp chiếu sáng, hệ thống kênh mương tưới tiêu được chỉnh trang, xây dựng và tu sửa. Toàn thôn có khoảng 30% số hộ đều có chung một mẫu cổng và hàng rào sinh thái. Tạo lên diện mạo mới của một “Miền quê đáng sống”.
3. Thành quả đạt được
Sau hơn 10 năm thí điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Chính quyền xã và Chi bộ, Ban quản lý thôn. Ban đầu chỉ có 04 hộ dân tham gia trồng hoa, cây cảnh nay đã nhân rộng ra 40 hộ. Toàn thôn cơ bản không còn diện tích cam, diện tích lúa màu chỉ chiếm 10%. Qua thống kê hiện nay thôn có khoảng 16 ngàn gốc đào phôi, 300 cây đã thành phẩm; gần 5000 cây hoa Mộc hương, vài nghìn cây thế bon sai các loại (Tùng kim, Tùng La hán, Xanh Nam Điền, Ổi, Sung, Khế và nhiều loại cây khác ở hệ phôi). Các loại cây hoa cũng được bà con quan tâm trồng mùa nào, hoa ấy. Thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh đạt khoảng trên 300 triệu đồng/ha/năm; có nhiều vườn cây cảnh trị giá vài tỷ đồng. Nhiều du khách các tỉnh miền xuôi, tỉnh lân cận đã biết đến Mỹ Tân thông qua Trang Website, ứng dụng Facebook, Zalo của thôn để mua, bán giao lưu cây cảnh. Ngoài việc sản xuất các loại cây thế mạnh nêu trên, nhân dân còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện cuộc sống; hiện nay toàn thôn có 35 con trâu, 400 con lợn và khoảng 2.000 con gia cầm, thủy cầm. Số hộ cận nghèo, hộ nghèo từ đó mà giảm dần, hộ khá giàu tăng lên[4]. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, hoạt động của đội văn nghệ, đội khiêu vũ, múa lân, bóng chuyền hơi được duy trì thường xuyên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Nét đẹp văn hóa trong tình đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết hơn.
Với kết quả lãnh đạo, chỉ đạo như vậy, ngày 18/01/2022 thôn Mỹ Tân vinh dự được UBND tỉnh Hà Giang công nhận “làng nghề”. Năm 2022 trưởng thôn Trần Văn Giang được Hội Nông dân Việt Nam mời dự hội nghị Trung ương và được vinh danh là Hội viên Hội nông dân xuất sắc toàn Quốc. Hàng năm Chi bộ, BQL thôn và các đoàn thể quần chúng đều đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tỉnh, huyện, xã tặng nhiều bằng khen, giấy khen; được đón nhiều đoàn khách thăm quan, học tập kinh nghiệm đến địa bàn thôn.
III - BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Hơn 10 năm phấn đấu, xây dựng và phát triển, Ban chi ủy Chi bộ thôn Mỹ Tân rút ra 03 bài học kinh nghiệm chủ yếu đó là:
1. Phải tăng cường vai trò lãnh đạo của chi bộ, lấy sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên để tạo sự lan tỏa trong nhân dân. Thực hiện tốt phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; lấy hiệu quả của mô hình để nhân rộng.
2. Làm tốt công tác dân vận của Đảng, thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ cơ sở, mọi việc đều phải “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy “tình làng, nghĩa xóm” để có một thôn xóm bình yên, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện.
3. Tranh thủ sự quan tâm của nhà nước, phát huy sức mạnh nội lực, kết hợp huy động mọi nguồn lực xã hội hóa trong nhân dân.
Trên đây là khái quát đặc điểm tình hình và sự hình thành, phát triển làng nghề của thôn Mỹ Tân, xã Tân Quang. Trân trọng báo cáo./.
|
TM. CHI BỘ PHÓ BÍ THƯ
(đã ký)
Trần Văn Giang |
[1] Suối Ông Mìn, Suối Ông Khoa, Suối ông Diệp, Suối ông Khể.
[2] Bí thư chi bộ (kiêm CA viên) Trần Văn Hoàng; Phó Bí thư chi bộ (kiêm trưởng thôn, cán bộ Khuyến nông - Thú y) Trần Văn Giang; Trưởng Ban Công tác Mặt trận (kiêm chi hội trưởng chi hội CCB, Chi hội Nông dân thôn) Hoàng Văn An; chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ (kiêm y tế thôn bản) Nguyễn Thị Mừng; Phó thôn Hoàng Anh Tuấn; Bí thư Chi đoàn (kiêm Thôn đội trưởng) Nông Văn Tân; Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Nguyễn Văn Khể.
[3] Các Mô hình đã triển khai gồm: mô hình về xây dựng hệ thống chính trị “Chi bộ mẫu”; “Dân vận khéo”. Mô hình về phát triển kinh tế gồm: “trồng rau an toàn gắn với tiêu bao sản phẩm”; “Vườn rau dinh dưỡng”; “Trồng hoa, cây cảnh”. Mô hình về văn hóa - xã hội: “Khôi phục các hoạt động văn nghệ, thể thao, múa sư tử truyền thống”. Mô hình đảm bảo an ninh trật tự: “Thôn xóm bình yên - Phát triển toàn diện”; “Kêu gọi xã hội hóa lắp Camera giám sát an ninh trật tự”.
[4] Thôn có 23 hộ khá giàu chiếm 32,87%; hộ trung bình 42 hộ chiếm 60%; hộ cận nghèo 02 hộ chiếm 2,85%; hộ nghèo 03 hộ chiếm 4,28%.