Đột phá trong sản xuất rau ở Bắc Quang

Đăng lúc 15:25:58 20/03/2020

BHG - Sản xuất rau (SXR) theo quy trình hữu cơ, hướng đến khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ và sản phẩm lưu thông từng bước được đóng gói bao bì, nhãn mác… Đó là bước tiến mang tính đột phá tại nhiều địa phương của huyện Bắc Quang khi ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào SXR.
Thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh Minh Thắng (xã Việt Vinh) chăm sóc dưa trồng theo hướng hữu cơ.
Thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp xanh Minh Thắng (xã Việt Vinh) chăm sóc dưa trồng theo hướng hữu cơ.

Là huyện có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai để sản xuất ra sản phẩm rau, quả có chất lượng, đa dạng về chủng loại ở tất cả các mùa vụ trong năm. Hiện, toàn huyện có 37 ha chuyên canh rau được trồng quanh năm và chia thành 3 vụ chính: Đông – xuân, Hè – thu và Thu – đông. Trong đó, vụ Thu – đông có diện tích gieo trồng và sản lượng cao nhất, đạt 250 tạ/ha với sản lượng trên 9 nghìn tấn; tập trung nhiều ở các xã Việt Vinh, Hùng An, Vĩnh Phúc, Đồng Yên với 3 nhóm rau chính: Rau ăn lá, ăn củ và rau ăn quả. Đặc biệt, trồng rau đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm... Phát huy những kết quả này, từ năm 2018 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã có những quyết sách mang tính đột phá - ứng dụng CNC vào SXR. Điều này, nhằm giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác, nâng cao hệ số sử dụng đất. Đồng thời, phát triển SXR ứng dụng CNC theo hướng khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; thông qua liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) chuyên SXR. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao sản lượng, chủng loại rau sạch, chất lượng cao có gắn tem, nhãn, bao bì..., đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên chia sẻ.

Tại xã Hùng An, quá trình SXR không chỉ ứng dụng CNC mà còn phải đáp ứng đồng thời 4 tiêu chí quan trọng khác, gồm: Tổ chức lại sản xuất cho nhân dân thông qua thành lập HTX; gieo trồng giống rau chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường; sản xuất theo quy trình hữu cơ và sản phẩm lưu thông được đóng gói bao bì, nhãn mác sản phẩm. Phó Chủ tịch UBND xã Hùng An, Tống Xuân Ngự, chia sẻ: Quá trình SXR ứng dụng CNC tại xã cơ bản đáp ứng các tiêu chí trên. Đến nay, xã đã có HTX SXR và hoa, quả thôn Hùng Tâm; thu hút 10 thành viên tham gia. Với diện tích 0,7 ha đất sản xuất, HTX đã xây dựng nhà lưới theo tiêu chuẩn chất lượng CNC. Trên đỉnh nóc có hệ thống thoát khí nóng và hơi nước; bên trong có hệ thống tưới nước nhỏ giọt và quạt thông gió. Mái nhà được lợp bằng màng phủ nilon công nghệ ISRAEL, phù hợp trong mọi điều kiện khí hậu. Điều này, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm sâu bệnh, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giúp bảo vệ màu sắc của hoa và quả để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Do vậy, sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX được nhiều người tin dùng, như: Cà chua, cải bó xôi, bí xanh, dưa lê, dưa lưới… Không những vậy, HTX còn xây dựng được nhà quản lý, kho bảo quản sản phẩm đảm bảo sạch, thoáng mát. Riêng bao bì, nhãn mác sản phẩm, HTX đã phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng logo, nhãn mác, bao bì đựng sản phẩm với 2 loại: Bao bì đựng củ, quả tiêu thụ dài hạn và loại dùng cho rau xanh bảo quản, tiêu thụ thời gian ngắn…

Cùng với xã Hùng An, SXR ứng dụng CNC đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương của huyện, như: Việt Vinh, Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Đông Thành, Tân Quang... Đến nay, các địa phương này đã có 7 THT và 3 HTX được thành lập. Điển hình, như: THT Thanh niên trồng rau thôn Vĩnh Chúa (xã Vĩnh Phúc); THT Trồng rau an toàn thôn Mỹ Tân (xã Tân Quang); HTX Rau sạch thôn Tân Tiến (xã Hùng An), HTX Thanh niên SXR và Hoa an toàn thôn Thượng Mỹ (xã Việt Vinh)... Đặc biệt, sau khi thành lập, đi vào hoạt động, các THT, HTX được tiếp cận cơ chế, chính sách của huyện và được giải ngân vốn vay theo hình thức đầu tư có thu hồi với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới tự động, làm nhà lưới trồng rau an toàn, ứng dụng CNC... Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CNC trong SXR trên địa bàn huyện Bắc Quang gặp không ít khó khăn, như: Chi phí đầu tư xây dựng nhà lưới tương đối lớn (bình quân 0,2 triệu đồng/m2) trong khi giá bán sản phẩm chỉ cao hơn SXR sạch khoảng 10% và mức tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, toàn huyện chưa có cơ sở thu mua, sơ chế rau; thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại địa phương và chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Hơn nữa, các THT, HTX SXR cơ bản thực hiện theo quy trình được cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhưng do sản xuất chưa ổn định nên chưa đủ điều kiện đề nghị cơ quan có thẩm quyền theo dõi, đánh giá và công nhận VietGAP hoặc hữu cơ.

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, song việc ứng dụng CNC đã tạo bước tiến mang tính đột phá tại các vùng sản xuất chuyên canh rau của huyện Bắc Quang. Nối tiếp kết quả này, năm 2019, toàn huyện phấn đấu nâng tổng diện tích chuyên canh rau an toàn và rau ứng dụng CNC từ 37 ha (năm 2018) lên 40 ha. Trong đó, có thêm 4,8 ha SXR ứng dụng CNC, tập trung ở các xã: Việt Vinh, Hùng An, Vĩnh Phúc, Đồng Yên…

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Tìm kiếm
Tin mới
https://zalo.me/0827185888
FACEBOOK
0827 185 888