Người dân 4 huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu Unesco - Cao nguyên đá Đồng Văn có truyền thống chăn nuôi bò từ lâu đời và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ. Phần lớn người nuôi bò thường chăn thả tự do hoặc nuôi nhốt vỗ béo nhưng chưa có chuồng trại phù hợp, thiếu hệ thống xả thải, không đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho gia súc vào mùa Đông và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng phân chuồng trực tiếp không qua thu gom, xử lý để bón cho cây trồng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nông sản, thực phẩm bị nhiễm độc, dinh dưỡng trong đất mất cân đối.
Với mục tiêu xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi gia súc khoa học và sử dụng công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện vùng cao; góp phần phát triển chăn nuôi bò và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phân bón hữu cơ và xây dựng cảnh quan phục vụ du lịch sinh thái; từ năm 2018, Công ty Cổ phần phát triển Nông - lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam triển khai đề tài khoa học: “Nghiên cứu ứng dụng KHCN trong xây dựng chuồng trại và xử lý chất thải trong chăn nuôi bò quy mô hộ gia đình tại 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang”. Việc xây dựng chuồng trại khoa học sẽ tạo ra vùng tiểu khí hậu phù hợp cho bò để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và giảm nguy cơ bệnh tật.
Sau 2 năm triển khai đề tài khoa học với mô hình thử nghiệm tại 10 hộ chăn nuôi bò thuộc xã Pả Vi (Mèo Vạc) và Lũng Cú (Đồng Văn), cho thấy: Kiểu chuồng nuôi được thiết kế phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, vệ sinh chăn nuôi và cảnh quan môi trường du lịch. Chuồng nuôi được xây dựng khép kín, cao ráo, sạch sẽ, chống gió lùa vào mùa Đông, mát vào mùa Hè; chất thải được tách riêng nước tiểu và phân, nhờ đó, khu vực chăn nuôi không có mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường; phân được phơi khô, xử lý bằng chế phẩm sinh học và có thể sử dụng an toàn để bón cho cây trồng. Quá trình thử nghiệm mô hình đã triển khai đào tạo, nâng cao năng lực cho 20 cán bộ thú y, khuyến nông cấp huyện, xã và 80 người dân về chăn nuôi và xử lý chất thải trong chăn nuôi bò tại địa phương; qua đó, giúp người dân nắm được cách thức xây dựng chuồng nuôi khoa học, hợp vệ sinh, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi bò và quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi bò phục vụ cho trồng trọt; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện, toàn tỉnh có trên 300 nghìn con trâu, bò; ngành chăn nuôi chiếm trên 30% trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Việc chú trọng ứng dụng KHCN vào chăn nuôi để nâng cao chất lượng đàn bò và phòng, chống rét, dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; giúp ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển ổn định, bền vững, đồng thời góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng Nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Với những hiệu quả mà mô hình mang lại, đề tài khoa học đã được Hội Đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.